Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất
nông nghiệp sạch, nông sản chất lượng cao đang là hướng đi được quan tâm trong
chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Nam Định. Trong những năm qua Ban
Thường vụ Tỉnh đoàn Nam Định đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đoàn
viên thanh niên xây dựng và triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công
nghệ, giúp thanh niên phát triển kinh tế và làm giàu trên chính mảnh đất quê
hương.

Vườn
dưa leo Hàn Quốc trong thời kỳ được bắt ngọn
Với lòng quyết tâm làm phát triển kinh tế nông nghiệp, được sự
ủng hộ từ gia đình và tổ chức Đoan thanh niên, đồng chí Vũ Văn Khá, một thanh
niên tại thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng đã mạnh dạn học hỏi tìm hiểu và
cùng với các thanh niên trên địa bàn xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa leo
trong nhà áp dụng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Đây là mô hình đầu tiên của địa phương áp dụng Công nghệ cao
trong sản xuất an toàn nên thu hút được sự quan tâm của người nông dân, của các
đồng chí đoàn viên thanh niên. Mô hình đi đầu trong thực hiện chủ trương tái cơ
cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới của thị trấn Quỹ Nhất, đồng thời mô hình thể hiện sự xung kích đi đầu của cán bộ Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN cơ sở trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, chương
trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” và phong trào “Thanh
niên với xây dựng Nông thôn mới” tại địa phương. Qua đó giúp tập hợp, đoàn kết,
khuyến khích thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, giúp người nông dân có
một cái nhìn hoàn toàn mới về sản xuất nông nghiệp trong thời đại Cách mạng
công nghiệp 4.0. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực có khả năng nhân
rộng đến các đồng chí đoàn viên, hội viên thanh niên trẻ đang loay hoay tìm tòi
mô hình phát triển kinh tế tại địa phương.

Những trái ngọt đầu tiên
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp
chính quyền từ Trung ương đến địa phương; Sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ
Tỉnh Đoàn các phong trào do Đoàn thanh niên phát động được triển khai một cách
đồng bộ, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đoàn viên thanh niên nhất là
các đoàn viên thanh niên trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó các cán bộ đoàn,
những người trực tiếp được thụ hưởng từ đề án không chỉ là những con người của
lý thuyết mà họ còn là những nhà chuyên môn, những người cầm tay chỉ việc luôn
đưa tới cho bà con nông dân những cách làm hay, hướng đi mới đầy sáng tạo.

Bàn giao mô hình trồng
dưa trong nhà màng công nghệ cao cho đồng chí Vũ Văn Khá
Đánh giá kết quả đạt được Anh: Nguyễn Vũ Chiên - Phó Bí
thư Tỉnh đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực hội LHTN Việt Nam tỉnh Nam Định cho
biết, được sự giúp đỡ và hỗ trợ khoa học kỹ thuật từ BTV tỉnh đoàn và
Trung tâm phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ, từ diện tích
trồng thử nghiệm 800m2 đến nay đã tăng lên hơn 2.300m2 nhà màng và diện tích
nhà màng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thu nhập thực tế đạt khoảng 90
triệu/sào/năm, sau khi trừ chi phí mô hình thu lãi khoảng 150 -200 triệu/năm.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm quan mô hình
Năng suất cụ thể dự kiến đối với giống Dưa Leo baby Hà Lan, mỗi
vụ trồng gần 6.000 cây/2.300m 2cho thu hoạch trung bình 2kg/cây/vụ (năng suất
lý thuyết 3-4kg/cây), sản lượng khoảng gần 12 tấn/vụ với giá bán trên thị trường
từ 15.000 – 20.000đ/kg, bình quân mỗi vụ dự kiến thu được từ 160-180 triệu
đồng. Sau khi trừ các chi phí giống, vật tư, điện và nhân công thuê thời vụ,…
từ 18-21 triệu đồng/vụ cho lãi được 100-120 triệu đồng/vụ, mỗi năm trồng được 3
vụ, sẽ cho thu nhập từ 350-450 triệu đồng/năm. Bình quân cho thu nhập gần 50
triệu đồng/người/năm.
Đối với giống dưa Lê Hàn Quốc sọc vàng, mỗi vụ trồng trung bình
6.000 cây cho năng suất trung bình 1kg/cây/vụ (năng suất lý thuyết 1,2 – 1,5
kg/cây), sản lượng 6 tấn/vụ, giá thị trường hiện nay 45.000-50.000đồng/kg, cho
thu nhập 200-250 triệu đồng/vụ. Mỗi năm trồng 2,5 – 3 vụ sẽ cho thu nhập
500-550 triệu đồng/năm. Chi phí giống, vật tư 10triệu/vụ, cho lãi 290-370
triệu/năm. Bình quân mỗi lao động thanh niên là 50-55 triệu/người/năm.
Thay mặt lực lượng tham gia xây dựng
Dự án, anh Trần Phước Thắng – Phó trưởng Ban thanh niên nông thôn công
nhân và đô thị Tỉnh đoàn - chủ nhiệm dự án cho biết, sản phẩm là rau, quả sạch trồng trong nhà màng hoàn toàn không
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phát triển nên giúp bảo vệ môi
trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Sản phẩm làm
thay đổi tư duy và cách tiêu dùng của người dân đối với những sản phẩm nông
nghiệp sạch. Chính vì vậy về đầu ra cũng rất thuận lợi, thị trường tiêu thụ
chính tại các cửa hàng rau sạch tại Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định. Ngoài việc
thành công cho ra đời những trái ngọt và đảm bảo chất lượng, hiện nay vườn dưa
của anh Khá là điểm tham quan và học tập kinh nghiệm của rất nhiều thanh niên
cũng như một số công ty tại địa phương và các địa phương lân cận, đó cũng chính
là niềm động viên rất lớn cho anh Khá và cũng là để khẳng định hơn nữa về sự
thành công của việc mạnh dạn học tập, dám nghĩ dám làm, dám tiên phong đi đầu.
Để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm,
trong lộ trình sắp tới, Ban thường vụ tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ để
mô hình được cấp chứng nhận VietGap; Phấn đấu đầu năm 2020 hoàn thiện hồ sơ thủ
tục được cấp chứng nhận an toàn VietGap, có lôgô, tem dán truy suất nguồn gốc
trên sản phẩm dưa Hàn quốc. Bên cạnh đó dành một phần diện tích trồng khảo
nghiệm các giống mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.
BAN BIÊN TẬP