Tham gia Công ước
quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982, hơn 40
năm qua bằng những việc làm cụ thể Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có
trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế cũng như triển khai nhiều chủ
trương, chính sách nhằm bảo đảm, thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên với âm mưu đen tối nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, những năm qua
các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề sắc tộc để chia rẽ khối đại
đoàn kết dân tộc, phá hoại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Đầu năm 2023, tỉnh
Lâm Đồng khởi công dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện
Đức Trọng. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020-2025 với mục
tiêu: ngăn lũ từ thượng nguồn vào mùa mưa; tích nước phục vụ sinh hoạt cho hơn
65.000 hộ dân và phục vụ tưới cho 2.580 ha đất canh tác của huyện Đức Trọng.
Không ai khác ngoài chính những người dân sinh sống trên địa bàn sẽ được hưởng
lợi từ công trình như phát triển nông nghiệp, công nghiệp; nuôi trồng thủy sản
(trong lòng hồ); cải tạo cảnh quan, môi sinh, môi trường; phát triển du lịch, gắn
với phát triển làng nghề của người K’Ho bản địa…
Về phía chính
quyền, để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng bị thu hồi đất từng
bước ổn định đời sống, UBND huyện Đức Trọng đã bắt tay vào xây dựng khu tái định
canh với diện tích 48 ha tại xã Hiệp An, đồng thời làm việc với nhiều doanh
nghiệp trên địa bàn, rà soát nhu cầu sử dụng lao động với chủ trương tạo điều
kiện tuyển dụng, đào tạo nghề cho người dân có đất bị thu hồi tại dự án. Nhờ vậy
hàng chục lao động tại địa phương đã có công ăn việc làm với mức lương ổn định,
cuộc sống từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên vẫn
có một số hộ gia đình người dân tộc thiểu số vì những lý do cá nhân đã không nhận
tiền đền bù và giao đất để triển khai dự án. Lập tức một số tổ chức, hội nhóm
phản động, tiêu biểu là tổ chức khủng bố Việt Tân, “Người Thượng vì công lý” đã
xuyên tạc trắng trợn rằng “chính quyền cướp đất, chèn ép người dân tộc thiểu số”.
Đồng thời thành viên của tổ chức này liên tục đăng tải những thông tin, hình ảnh
ngụy tạo, sai sự thật nhằm bóp méo vụ việc, kêu gọi, kích động người dân bất hợp
tác với chính quyền, cản trở việc thi công triển khai dự án, gây mất an ninh trật
tự.
Sự việc ở thôn
K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng chỉ là một trong nhiều vụ việc nổi cộm xảy
ra thời gian gần đây song cũng phần nào cho thấy vấn đề dân tộc đang là một
trong những trọng tâm mà các thế lực thù địch đang triệt để khai thác, lợi dụng
để chống phá Việt Nam. Đặc biệt các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ tập
trung đông đồng bào dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu hướng đến của các đối tượng
xấu, với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và hết sức trắng
trợn.
Từ bên ngoài,
các hội nhóm phản động đua nhau mọc lên, không ngừng chĩa mũi dùi hòng xuyên tạc
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là
vấn đề dân tộc. Chỉ tính riêng tại Mỹ, thống kê sơ bộ cho thấy có trên 160 tổ
chức, hội nhóm người H’Mông, tiêu biểu trong số đó là tổ chức “Phát triển quốc
gia H’Mông”, “Mặt trận giải phóng thống nhất người H’Mông”…
Như tên gọi của
những tổ chức này đã phần nào cho thấy tôn chỉ mục đích hoạt động, đó là tập hợp
phe phái, xây dựng lực lượng, vận động, kêu gọi người H’Mông xây dựng nhà nước
riêng của mình, đối kháng với chính quyền. Ở Việt Nam, cộng đồng người H’Mông
(tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Bắc) là một trong những mục tiêu hướng đến của
các hội nhóm này.
Nhằm thao túng,
kiểm soát cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hàng loạt hội nhóm chống phá
xuất hiện, rầm rộ phô trương thanh thế như “Hội những người miền núi” (MFI),
“Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP), “Người Thượng
vì công lý” (MSFJ)...
Với luận điệu
“người Kinh cướp đất của người Thượng’, “chính quyền đã đẩy người Thượng đến bước
đường cùng” các đối tượng kích động người dân ly khai, chống đối chính quyền,
thành lập nhà nước độc lập với khẩu hiệu mỹ miều: “Thúc đẩy hòa bình và bảo vệ
quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên”, đưa ra đòi hỏi “đất
Tây Nguyên là của người Thượng”.
Cùng chung âm
mưu, thủ đoạn như trên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Tây
Nam Bộ, tổ chức “Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm” (KKNLF), “Hội những
người Khmer”, “Quốc hội Khmer Krôm hải ngoại”, “Hội Ái hữu”, “Hội bảo vệ nhân
quyền”,… và đặc biệt là tổ chức “Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom” (KKK) thường
xuyên tuyên truyền luận điệu xuyên tạc “chính quyền người Việt muốn xóa bỏ văn
hóa của người Khmer”, muốn thực hiện chính sách “đồng hóa dân tộc Khmer”. Mục
đích của chúng là kích động đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ biểu tình, bạo loạn,
gây ra những điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.
Không chỉ kêu gọi,
kích động từ bên ngoài, các đối tượng phản động còn cử người trà trộn vào cộng
đồng người dân tộc thiểu số, trực tiếp chỉ đạo, điều hành các vụ tấn công, khủng
bố, âm mưu lật đổ chính quyền khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Song nhờ sự vào cuộc
kịp thời, quyết liệt của cơ quan chức năng, sự cảnh giác, hợp tác của người
dân, những năm qua các hoạt động chống phá lợi dụng chính sách dân tộc để chống
phá chế độ đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, được người dân đồng
tình, ủng hộ và đánh giá cao; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống
vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm và ngày càng khởi sắc.
Trải qua hàng
nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã cho thấy với sự gắn kết keo sơn,
tinh thần tương thân tương ái của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S cho
nên dù ở thời kỳ nào, đứng trước bất cứ thử thách khó khăn nào thì cộng đồng
các dân tộc Việt Nam cũng là một khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh để
chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thử thách.
Ngay khi giành
độc lập vào tháng 9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định “Ngoài sự bình
đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để
chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều thứ 8). Đến Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi),
trong lời nói đầu tiếp tục nhấn mạnh: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân
Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước,
đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất
và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”.
Đồng thời tại
Điều 5 của Hiến pháp chỉ rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc
gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc
bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi
hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…”.
Không chỉ được
quy định trong Hiến pháp, nguyên tắc về bình đẳng và không phân biệt chủng tộc
liên quan đến thành phần dân tộc đã được cụ thể hóa trong các luật, văn bản dưới
luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn, thông qua
nhiều chính sách, chương trình quốc gia tạo sự thống nhất, đồng bộ. Số liệu thống
kê cho thấy, cùng với Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành và 97 luật, bộ luật, với
gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc; có 188 chính sách thực hiện tại
vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc; Ủy ban Dân tộc chủ trì,
chỉ đạo 25 chính sách; các bộ, ngành khác chủ trì, chỉ đạo 111 chính sách.
Đồng thời cùng
với việc thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và
giảm nghèo bền vững, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14
ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể; Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết
số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025, với 10 dự án thành phần nhằm
giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch,
sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất
nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất
hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời
sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào
tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức
khỏe nhân dân…
Từ đây cho thấy
vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc luôn đóng một vai trò và vị trí đặc biệt
quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Song với dã tâm
chống phá đất nước ta, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chia rẽ khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, triệt để sử dụng kế sách “bẻ từng chiếc đũa”, đó là chia
rẽ người Kinh với đồng bào người dân tộc thiểu số, nhen lên tư tưởng “bài Kinh”
trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, với mong muốn làm cho đất nước bị suy yếu
từ bên trong, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo ý đồ của chúng.
Trong bối cảnh
hiện nay, đứng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng thâm độc của các thế
lực thù địch, nhằm gây mâu thuẫn trong đồng bào dân tộc thiểu số, kích động bạo
loạn, phá hoại an ninh quốc gia và ổn định chính trị - xã hội đòi hỏi sự vào cuộc
quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị cũng như sự đoàn kết, chung sức của
cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Chính quyền các
cấp cũng như các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội cần làm tốt hơn nữa
công tác dân tộc, nâng cao chất lượng sống về mọi mặt cho người dân, nhất là
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên lắng nghe, kịp thời phát hiện những
vấn đề khúc mắc để tìm cách tháo gỡ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương,
chính sách đến với đồng bào bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả. Về phía người
dân, cần tin tưởng vào đường lối của Đảng, cảnh giác để không bị lôi kéo vào
các hoạt động bất hợp pháp, làm tổn hại đến khối đoàn kết dân tộc và sự phát
triển ổn định của xã hội./.
HÀ NHÂN
(nhandan.vn)
Nguồn: tuyengiao.vn