Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đột phá chuyển đổi số - Kỳ I: Quyết liệt tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Kỳ I: Quyết liệt tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về chuyển đổi số (CĐS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09) được coi là đòn bẩy thúc đẩy quá trình CĐS diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, chương trình CĐS của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội; đặc biệt xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo của Nam Định.

ách làm sáng tạo của Nam Định.

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện Mỹ Lộc. Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện Mỹ Lộc.

Bắt tay vào thực hiện CĐS, tỉnh ta có những thuận lợi do có nền tảng vững chắc của quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chú trọng cải cách hành chính (CCHC), cung cấp những dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Trong khi đó, khi bắt tay vào triển khai trên địa bàn tỉnh thì CĐS vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện; cán bộ chuyên sâu về CĐS còn thiếu; hệ thống thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu... Đó là những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trong nhiệm vụ CĐS của tỉnh. Với quyết tâm thực hiện CĐS, coi đây là giải pháp đột phá để phát triển một cách tổng thể, toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09, Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh đã tập trung rà soát, đánh giá, nhận diện “điểm nghẽn” và lựa chọn giải pháp tháo gỡ. 

Trên cơ sở phân tích dữ liệu, tỉnh ta đã đưa ra những giải pháp tổng thể cho quá trình CĐS gồm: Chuẩn bị tốt cơ sở dữ liệu về dân cư làm nền tảng để thực hiện các quyết định phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, như là quyết định đầu tư đường giao thông dựa trên mật độ, lưu lượng dữ liệu giao thông, quyết định đầu tư trường tiểu học dựa trên mật độ phân bố trẻ sơ sinh... Về chính quyền số, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở cả 2 chỉ tiêu tỷ lệ phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý; các dịch vụ công được cá thể hóa đến từng cá nhân; giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT theo thẩm quyền; phân bổ chỉ tiêu thí điểm đến cấp xã. Đồng thời đưa toàn bộ hoạt động của 5.500 công chức, 31 nghìn viên chức lên môi trường số để có cái nhìn tổng thể giúp đánh giá hiệu quả công việc, điều động nhân lực cán bộ, công chức qua các hệ thống xử lý văn bản… 

Về nhận thức số, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền CĐS theo phương thức “cầm tay chỉ việc” và nêu gương điển hình để tạo động lực khích lệ các cơ quan, đơn vị, địa phương khác. Về nhân lực số, khẩn trương bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho lực lượng công chức, viên chức; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho 1,9 triệu dân; phổ cập việc học trực tuyến các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ. Tỉnh ta cũng cần phổ cập được danh tính số, định danh số cho mỗi cá nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành ứng dụng các dịch vụ số khác như mở ngân hàng, sử dụng DVCTT mà không phải đến cơ quan Nhà nước. Về hạ tầng số, tỉnh ta đã bước đầu đạt được 2/7 chỉ tiêu, do đó cần sớm triển khai mạng băng rộng, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang, ưu tiên sử dụng hạ tầng điện toán đám mây thay thế các hạ tầng khác và triển khai CĐS bằng các nền tảng số thống nhất. Về xã hội số, tỉnh chọn một số nền tảng phù hợp để triển khai trước cho người dân sử dụng như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường, bệnh viện, chợ dân sinh, điểm du lịch… nhằm tiếp cận với các tiện ích số.

Từ những nhiệm vụ cụ thể đã được xác định, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với quá trình CĐS; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu CĐS cho các cơ quan, đơn vị, địa phương như: Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22-10-2021 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 8-5-2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh... Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CĐS và thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CĐS cũng như hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác theo đúng quy định để thực hiện thành công các nhiệm vụ CĐS theo định hướng của tỉnh. Trên cơ sở đó, từng đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Nhiều cách làm hay, hiệu quả trong CĐS đã được áp dụng hiệu quả như tổng hợp 3 thủ tục bắt buộc thực hiện khi đăng ký khai sinh cho trẻ gồm (khai sinh, hộ tịch, bảo hiểm y tế) thành 1 thủ tục duy nhất và làm một lần. Cá thể hóa các dịch vụ công đến từng cá nhân (như nhắc lịch tiêm phòng cho trẻ em); giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT theo thẩm quyền và phân bổ chỉ tiêu đến cấp xã (thí điểm yêu cầu bắt buộc sử dụng DVCTT với một số TTHC) góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp. 

Đến hết tháng 3-2023, Nam Định được đánh giá là tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong việc thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ cung cấp và thực hiện các DVCTT đạt trên 80%, vượt 30% so với chỉ tiêu phấn đấu. Đối với nguồn nhân lực số, tỉnh tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, nguồn lực bên ngoài, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đặc biệt là của Bộ Thông tin và Truyền thông, để tiến hành CĐS. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thuê nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực đảm bảo an toàn thông tin mạng từ các tập đoàn viễn thông lớn để đảm bảo CĐS diễn ra an toàn, đúng tiến độ, kết hợp nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực nội tại.

Xây dựng lộ trình hợp lý, xác định đúng, trúng nhiệm vụ trong từng giai đoạn cùng với có cơ chế phù hợp, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng là những yếu tố giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong CĐS thời gian qua.

(Còn nữa).

Nguồn: Sưu tầm.

Cơ quan chủ quản: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định 
Địa chỉ: Số 154 - Trần Đăng Ninh - TP. Nam Định 
Điện thoại: 02283.849781, Fax: 02283.849781 
Email: Tinhdoannamdinh@gmail.com .
Website: http://Tinhdoan.namdinh.gov.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Đồng chí Triệu Văn Thái - Bí thư Tỉnh Đoàn Nam Định