Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về chuyển đổi số cho nông thôn, ở nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn Nam Lạng Tây, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các phần mềm tiện ích trên điện thoại thông minh.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn Nam Lạng Tây, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các phần mềm tiện ích trên điện thoại thông minh.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tỉnh Nam Định” nhằm tổng hợp, đưa ra khái niệm xã thông minh và đề xuất những giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình thực tiễn tại để xây dựng xã, thị trấn thông minh trên địa bàn tỉnh. Theo đó đề tài đã lựa chọn, đề xuất sử dụng giải pháp Microsoft Sharepoint cùng với hệ điều hành Windows Server và hệ quản trị cơ sở dữ liệu MSSQL Server để xây dựng hệ thống phần mềm, ứng dụng xây dựng xã thông minh. Đây là giải pháp công nghệ đáp ứng đầy đủ ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích khi sử dụng để thiết kế phần mềm, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phù hợp, đồng bộ, thống nhất với phần mềm dùng chung của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, như: Trục chia sẻ, tích hợp dữ liệu GLSP, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý văn bản và điều hành... Ngoài ra, đề tài còn xây dựng 3 phần mềm “Hệ thống nền tảng kết nối các phần mềm dùng chung ở các xã, thị trấn”, “Ứng dụng di động cho công chức”, “Ứng dụng di động cho người dân doanh nghiệp” để triển khai thử nghiệm xây dựng xã thông minh phục vụ chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhiều địa phương trong tỉnh cũng tích cực chuyển đổi số, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đã nỗ lực phủ sóng wifi khắp các thôn, xóm, giúp người dân có thể truy cập internet dễ dàng ở mọi nơi trên địa bàn, cập nhật thông tin, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện và địa phương bằng điện thoại. Thôn Nam Lạng Tây được xã định hướng lựa chọn xây dựng thôn thông minh và được lắp đặt điểm wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn phục vụ nhu cầu truy cập internet người dân. Với quyết tâm xây dựng “thôn thông minh”, cán bộ thôn phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các phần mềm, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chuyển đổi số như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy chữa cháy, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn… Thời gian qua, thôn đã thành lập trang thông tin của các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo với đông đảo số hộ dân trong thôn tham gia. Bí thư Chi bộ thôn Nam Lạng Tây Trần Xuân Vượng cho biết: “Bây giờ chỉ cần một thao tác đơn giản là bà con có thể đăng thông tin lên nhóm zalo của thôn. Nhờ đó, mọi người có thể dễ dàng nắm bắt, tham gia thực hiện các công việc cần làm của chi bộ, của thôn”. Cũng nhờ xây dựng “thôn thông minh”, các hoạt động xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như kêu gọi huy động xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, lắp đặt camera giám sát an ninh được người dân nhanh chóng nắm bắt, hưởng ứng và tham gia. Hiện các hành vi bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, xô xát sau va chạm giao thông… đều được phát hiện, xử lý, hòa giải kịp thời, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự. Trước hiệu quả của mô hình điểm “thôn thông minh” Nam Lạng Tây, xã Trực Tuấn đang tổ chức cho các thôn khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm để triển khai nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn xã.

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu; trong đó chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất nông nghiệp để phát huy hiệu quả các tiềm năng của nông thôn trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi… theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng NTM thông minh. Qua đó thúc đẩy người dân mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và phát triển được 39 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm; hơn 200 sản phẩm nông nghiệp của 60 doanh nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử VOSO, POSTMART. Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: gạo Toản Xuân, ngao sạch Lenger, nông sản sấy Minh Dương, muối sạch Nam Định... Đẩy mạnh chuyển đổi số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác đã giúp chương trình xây dựng NTM của tỉnh giành được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, hiện đại. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh, trình độ sản xuất của nông dân được “chuyên nghiệp hóa” hơn. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi số là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Vì vậy, cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số rất cần sự chung tay, tích cực tham gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân./.

Nguồn: Sưu tầm.
Cơ quan chủ quản: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định 
Địa chỉ: Số 154 - Trần Đăng Ninh - TP. Nam Định 
Điện thoại: 02283.849781, Fax: 02283.849781 
Email: Tinhdoannamdinh@gmail.com .
Website: http://Tinhdoan.namdinh.gov.vn 
Người chịu trách nhiệm chính: Đồng chí Triệu Văn Thái - Bí thư Tỉnh Đoàn Nam Định